[Kiến Thức] Vớ Bó Chân Có Thực Sự Giúp Cải Thiện Thành Tích Thể Thao?

Thanh Hai
Đăng ngày 29/09/2020
2,813 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Quần áo bó cơ có thể nói là trang phụ hỗ trợ chạy bộ phổ biến nhất trong những năm gần đây, từ vớ chân, vớ đùi, quần áo chạy, đều có những hiệu quả bó cơ tương ứng để bạn lựa chọn. Trong đó, phổ biến nhất là vớ bó bắp chân (compression stockings) hoặc ống bó (Compression sleeves). Trên thị trường có những bộ sản phẩm nhiều màu sắc vừa đẹp vừa được ưa chuộng nhưng liệu chúng có thực sự hữu ích trong việc tránh mệt mỏi và nâng cao thành tích thể thao hay không?

Sau khi phân tích và xác minh trên trang web sinh lý học, các kết luận về công dụng của vớ bó được tổng kết như sau:

1. Mang vớ hoặc bao bó bắp chân sẽ không cải thiện thành tích thể thao.

2. Không có kết quả nghiên cứu nhất quán về tác dụng phục hồi mỏi cơ.

3. Vui lòng chú ý đến mức độ áp lực (mmHg), phân bố áp lực, số chỉ denier và các thông tin khác của sản phẩm khi mua.


Mời các bạn cùng xem qua các bài phân tích và thảo luận trên trang web sinh lý thể thao:


Vớ và bao bó bắp chân là trang phục hỗ trợ chạy phổ biến trong những năm gần đây, nhưng chúng có thực sự hiệu quả? (Nguồn ảnh: 123RF)

Tin tức hàng tuần về thể dục thể thao (Số 295): 

Vớ hoặc bao bó bắp chân có thể cải thiện thành tích thể thao không? (17 tháng 5, 2014) 

Tác giả: Wang Shunzheng, Zhang Huangyuan, Lin Yuqiong

Trong những năm gần đây, vớ bó bắp chân (compression stockings hoặc compression garments) hoặc vớ bó tăng áp lực theo mức độ (graduated compression stockings) là những sản phẩm hỗ trợ phổ biến cho các môn thể thao như chạy bộ hoặc đạp xe đường dài. Theo như quan sát, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều VĐV sử dụng các sản phẩm này trong các cuộc thi chạy bộ hoặc đua xe đạp. Trên thực tế, vớ bó là một thiết bị y tế quan trọng được sử dụng để ngăn ngừa sự suy giảm của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Đối với loại vớ bó có tác dụng trị liệu, áp lực chuẩn nên tính vào mắt cá chân và giảm dần lên trên để cho phép máu được nén hiệu quả từ mắt cá chân đến đùi (Zheng Guoliang, 2014). Công dụng của ống bó (Compression Sleeves) khác với vớ bó bắp chân. Chức năng của ống bó tương tự như công dụng của miếng dán cơ đàn hồi, nhưng nhiều công ty cho rằng bao bó bắp chân có tác dụng tương tự như vớ bó bắp chân.

Đơn vị đánh giá áp lực của vớ bó được xác định bằng milimét thủy ngân (mmHg). Vớ bó cấp độ 1 (10-20 mmHg) được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các chứng giãn tĩnh mạch nhẹ. Vớ bó cấp độ 2 (20-40 mmHg) là lựa chọn cho các triệu chứng giãn tĩnh mạch vừa hoặc sau phẫu thuật laser. Vớ bó cấp độ 3 và 4 (30-60 mmHg) được sử dụng cho các trường hợp lở loét nghiêm trọng hơn hoặc thuyên tắc tĩnh mạch.

Mặc dù các tiêu chuẩn đánh giá cấp độ của vớ bó rất rõ ràng, nhưng các loại vớ bó trên thị trường có thực sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay không vẫn cần được cơ quan chức năng xác nhận. Hầu hết các công ty đều sử dụng chỉ số Denier (đơn vị để tính độ dày của sợi nhân tạo) để phân biệt các loại vớ bó. Chỉ số Denier càng cao thì trọng lượng càng nặng và độ chặt càng cao. Chỉ số Denier càng thấp thì độ trong của sợi càng cao (Zheng Guoliang, 2014). Để có thể làm rõ lợi ích về chức năng của việc sử dụng vớ bó hoặc bao bó bắp chân, hãy nhớ xác nhận mức độ áp lực và chỉ số Denier trước khi mua, đồng thời kiểm tra xem sản phẩm có thiết kế giảm dần áp lực từ mắc cá chân lên bắp chân hay không.

Cho dù sử dụng vớ hay ống bó, các VĐV đều hy vọng rằng sản phẩm sẽ cải thiện thành tích thi đấu và giảm mệt mỏi. Ali, Caine và Snow (2007) thử nghiệm trên các đối tượng sử dụng vớ bó tăng áp lực theo mức độ (với áp lực tại mắt cá chân từ 18-22 mmHg, áp lực tại khớp gối 70%) hoặc vớ thông thường (cao đến khớp cổ chân) và tiến hành hai bài kiểm tra chạy gián đoạn (với khoảng thời gian 1 giờ) và chạy đường trường 10 km liên tục. Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng việc mang vớ bó tăng theo mức độ không giúp cải thiện thành tích chạy 10 km, nhưng có thể làm giảm đau nhức cơ bắp khởi phát chậm 24 giờ sau khi tập luyện (Hình bên dưới).

運動生理週訊第295期壓力襪可以提昇運動表現嗎?
Ảnh hưởng của vớ bó đối với hoạt động thể thao và đau nhức cơ bắp (Ali, Caine, & Snow, 2007)

Davies, Thompson, và Cooper (2009) đã nghiên cứu trên 11 đối tượng có thói quen tập luyện thường xuyên (bao gồm 7 nữ và 4 nam), bằng cách để họ thực hiện 5 tổ hợp 20 lần nhảy drop Jump với biên độ lớn nhất, sau đó cho họ sử dụng vớ bó hoặc phục hồi thụ động trong 48 giờ (thí nghiệm được tiến hành 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần). Nghiên cứu đã phát hiện rằng việc sử dụng vớ bó trong vòng 48 giờ sau khi tập thể dục có thể làm giảm đáng kể chỉ số creatine và đau cơ. Tuy nhiên hiệu quả của vớ bó thể thao đối với các hạng mục chạy nước rút ngắn, độ nhanh và nhảy vertical jump là không đáng kể.

Kemmler và cộng sự (2009) đã nghiên cứu khả năng chạy trên máy chạy bộ trên 21 đối tượng trung niên có thói quen tập thể dục thường xuyên (39,3 ± 10,9 tuổi) về những khác biệt khi sử dụng hoặc không sử dụng vớ bó dưới đầu gối (below-knee compressive stockings). Nghiên cứu phát hiện ra rằng vớ bó có thể làm tăng đáng kể ngưỡng yếm khí khi chạy. Ali, Creasy và Edge (2010) nghiên cứu tác dụng của vớ bó trên 10 VĐV chạy chuyên nghiệp với thí nghiệm được thiết kế theo phương pháp mù đôi (double blind), bằng cách cho họ đeo vớ bó ở các mức độ áp lực khác nhau (0 mmHg, 12-15 mmHg hoặc 23-32 mmHg) và chạy trong 40 phút, hoặc chạy với 80± 5% cường độ hấp thụ oxi tối đa. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt trong phản ứng sinh lý của các bài tập gắng sức không tối đa của các VĐV khi sử dụng các loại vớ bó với áp lực khác nhau. Theo các nghiên cứu liên quan trước năm 2010, vớ bó chỉ đem lại tác dụng hạn chế trong việc cải thiện thành tích thể thao, nhưng vẫn chưa có kết luận nhất quán. Tuy nhiên, vớ bó dường như có thể giúp cải thiện quá trình phục hồi mệt mỏi sau khi tập luyện.

運動生理週訊第295期壓力襪可以提昇運動表現嗎?
12 VĐV chuyên nghiệp đã mang vớ bó với các các cấp độ áp lực khác nhau và tiến hành các bài kiểm tra chạy (Nguồn ảnh: Trang web Sinh lý thể thao)

Ali, Creasy và Edge (2011) đã tiến hành nghiên cứu với thí nghiệm được thiết kế cân bằng thứ tự bằng cách cho 12 VĐV mặc ngẫu nhiên các loai vớ bó với các áp lực 0 mmHg (nhóm đối chứng), 12-15 mmHg (Thấp), 18-21 mmHg (Trung bình) hoặc 23-32 mmHg (cao) và tiến hành 4 bài kiểm tra chạy 10 km (hình phía trên bên trái). Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về hiệu suất của hạng mục chạy 10 km (hình bên trái phía dưới), nhưng thành tích của các bài kiểm tra nhảy vertical jumps trước và sau khi chạy 10 km của nhóm mang vớ với áp lực thấp và trung bình tốt hơn so với nhóm đối chứng.

運動生理週訊第295期壓力襪可以提昇運動表現嗎?
Ảnh hưởng của việc sử dụng vớ bó lên thành tích chạy 10 km và bài kiểm tra nhảy trước và sau khi chạy (Ali, Creasy, & Edge, 2011)

Menetrier và cộng sự (2011) đã tiến hành thử nghiệm trên 14 VĐV trung niên có thói quen tập chạy thường xuyên bằng cách cho họ mang ống bó và tiến hành các bài kiểm tra chạy ngẫu nhiên. Quy trình thử nghiệm được thiết kế theo thứ tự: 15 phút nghỉ ngơi, chạy với tốc độ hấp thụ oxy tối đa 60% trong 30 phút, 15 phút nghỉ ngơi phục hồi và chạy với tốc độ hấp thụ oxy tối đa 100% đến khi kiệt sức. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc mang ống bó không làm thay đổi thời gian chạy đến kiệt sức với tốc độ hấp thụ ôxy tối đa, nhưng sẽ làm tăng đáng kể áp suất riêng phần oxi ( partial pressures of oxygen) của mô trong giai đoạn hồi phục trước và sau khi tập luyện. Kết quả cũng cho thấy rằng ống bó cũng không cải thiện hiệu suất chạy như vớ bó bắp chân.

Trong nghiên cứu gần đây nhất, Vercruyssen và cộng sự (2014) đã tiến hành thí nghiệm tác dụng của việc mang hoặc không mang vớ bó trên 11 VĐV chạy có thói quen tập luyện thường xuyên bằng cách cho họ thực hiện bài thi chạy ngắt quãng để kiếm tra cường độ thi đấu hoặc chạy 15,6 km (ba vòng, mỗi vòng 5,2 km, 40 giây nghỉ ngơi giữa mỗi vòng và tiến hành lấy máu xét nghiệm). Ngoài hiệu suất chạy, nghiên cứu còn đo chỉ số oxy hóa cơ đùi bên (Quang phổ hồng ngoại gần NIRS). Kết quả của nghiên cứu cho thấy hiệu suất chạy (bên trái phía dưới) và nhịp tim tối đa khi tập luyện không bị ảnh hưởng bởi việc VĐV có mang vớ bó hay không. Tuy nhiên, mang vớ bó có thể làm tăng đáng kể sự hấp thụ oxy của cơ (mVO2) và lưu lượng máu của cơ (mBF) (hình bên phải phía dưới).

Coso và cộng sự (2014) tiến hành nghiên cứu trên 36 VĐV bằng cách cho họ tham gia thực hiện các bài kiểm tra bán marathon 3 môn phối hợp (29 độ C, độ ẩm tương đối 73%), trong đó 19 VĐV trong nhóm thử nghiệm sử dụng ống bó bắp chân (ankle-to-knee graduated compression stockings), và 17 người trong nhóm đối chứng đi vớ thông thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm thí nghiệm và nhóm đối chứng. Sử dụng ống bó không giúp cải thiện thành tích khi tham gia ba môn phối hợp, cũng như không làm giảm các chỉ số tổn thương cơ. Vì nghiên cứu không có định nghĩa rõ ràng về mức độ áp lực, chỉ số Denier hay thương hiệu của vớ hay ống bó nên vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xác hiệu quả của sản phẩm. Tuy nhiên, dường như hầu hết các nghiên cứu gần đây đều phát hiện ra rằng vớ hay ống bó bắp chân không giúp cải thiện thành tích thể thao.

Đối với những người bình thường, khi chọn mua vớ bó bắp chân hoặc ống bó bắp chân cần phải kiểm tra mức áp lực (mmHg), phân bố áp lực, chỉ số Denier và các thông tin khác của sản phẩm. Nếu như sản phẩm không có những thông tin liên quan này thì tốt nhất là không nên mua. Có rất nhiều nghiên cứu về việc sử dụng vớ bó bắp chân, nhưng chỉ có ít nghiên cứu về việc sử dụng ống bó bắp chân. Hầu hết các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng mang vớ hay ống bó bắp chân sẽ không giúp cải thiện thành tích thể thao, và cũng không có kết quả nghiên cứu nhất quán về tác dụng phục hồi mỏi cơ. Ngoài ra, tác dụng của ống tay bó áp lực hoặc ống bó cẳng tay đến hoạt động thể thao vẫn còn phải được làm rõ và nghiên cứu thêm. 

Vớ hoặc ống bắp chân có thể nói là trang phục hỗ trợ chạy phổ biến nhất trong những năm gần đây. Bạn đã bao giờ sử dụng những loại sản phẩm này chưa? Chúng có giúp ích gì cho hoạt động thể thao của bạn không? Hay nó chỉ mang lại một trải nghiệm tồi tệ? Hãy tham gia diễn đàn để chia sẻ suy nghĩ của bạn! 


Tài liệu tham khảo:

鄭國良 (2014)。靜脈曲張惡化,彈性襪惹禍。Pchome健康樂活。http://pchome.uho.com.tw/sick.asp?aid=1481

Ali, A., Creasy, R. H., & Edge, J. A. (2010). Physiological effects of wearing graduated compression stockings during running. European Journal of Applied Physiology, 109, 1017-1025.

Ali, A., Creasy, R. H., & Edge, J. A. (2011). The effect of graduated compression stockings on running performance. Journal of Strength and Conditioning Research, 25(5), 1385-1392.

Ali, A., Caine, M. P., & Snow, B. G. (2007). Graduated compression stockings: physiological and perceptual responses during and after exercise. Journal of Sports Sciences, 25(4), 413-419.

Coso, J. D., Areces, F., Salinero, J. J., Gonzalez-Millan, C., Abian-Vicen, J., Soriano, L., Ruiz, D., Gallo, C., Lara, B., & Calleja-Gonzalez, J. (2014). Compression stockings do not improve muscular performance during a half-ironman triathlon race. European Journal of Applied Physiology, 114(3), 587-595.

Davies, V., Thompson, K. G., & Cooper, S. M. (2009). The effects of compression garments on recovery. Journal of Strength and Conditioning Research, 23(6), 1786-1794.

Kemmler, W., von Stengel, S., Kockritz, C., Mayhew, J., Wassermann, A., & Zapf, J. (2009). Effect of compression stockings on running performance in men runners. Journal of Strength and Conditioning Research, 23(1), 101-105.

Menetrier, A., Mourot, L., Bouhaddi, M., Regnard, J., & Tordi , N. (2011). Compression sleeves increase tissue oxygen saturation but not running performance. International Journal of Sports Medicine, 32, 1-5.

Vercruyssen, F., Easthope, C., Bernard, T., Hausswirth, C., Bieuzen, F., Gruet, M., & Brisswalter, J. (2014). The in?uence of wearing compression stockings on performance indicators and physiological responses following a prolonged trail running exercise. European Journal of Sport Science, 14(2), 144-150.

[Nguồn bài viết: Running Biji]